|
查看数次:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
Là vùng đất văn hóa cổ nên hàng năm phường Xương Giang có ba lễ hội gồm: lễ hội chiến thắng Xương Giang, lễ hội Đình làng Thành, lễ hội Chùa làng Thành.

Ngày 6 tháng Giêng tổ chức lễ hội chiến thắng Xương Giang, những năm lẻ do phường hoặc thành phố đứng ra tổ chức, những năm chẵn việc tổ chức lễ hội thường do UBND thành phố Bắc Giang hoặc UBND tỉnh Bắc Giang.

Những năm chẵn, lễ hội Chiến thắng Xương Giang được tổ chức rất hoành tráng, nghiêm trang và hiện đại với hàng vạn Nhân dân trong vùng và khách thập phương trong và ngoài nước tham dự. Hàng ngàn Nhân dân các làng xung quanh thành tổ chức rước kiệu, đồ tế lễ, ca hát nhảy múa  tiến về đền để tham gia lễ hội. Sau lễ dâng hương của các đồng chí lãnh đạo, các đoàn và Nhân dân là những bài phát biểu, bài chúc văn và những màn tái hiện lại của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên biểu diễn làm sống động lại lòng dũng cảm, đức hy sinh của nghĩa quân Lam Sơn và dân binh trong vùng đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường lập nên những chiến tích phi thường trong trận quyết chiến Xương Giang, đập tan âm mưu xâm lượng của nhà Minh. Trong Chúc thư còn cầu mong cho quốc thái dân an, trăm họ đồng lòng, dựng xây quê hương đất nước phồn vinh, hưng thịnh.

Phần hội cũng được diễn ra hết sức phong phú và sinh động, đã kết hợp một cách hài hòa giữa các trò chơi truyền thống và hiện đại như: đánh đu, vật cổ truyền, chọi gà, kéo co, cờ tướng cũng như các môn bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, khiêu vũ...Ngoài các trò chơi, thể thao, hội còn tổ chức khu nhà hát dân ca, cổ truyền như: hát ca trù, hát trầu văn, hát cô đầu, hát quan họ và những bài hát dân ca mới...đã tạo nên bầu không khí vui tươi, gắn kết một cách hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Lễ hội Chiến thắng  Xương Giang đã gắn kết giữa tâm linh tín ngưỡng với văn hóa dân gian và văn hóa hiện đại nên được Nhân dân trong vùng và du khách thập phương hưởng ứng mạnh mẽ.

Đoàn rước kiệu tiến vào Đền dự lễ hội Chiến thắng Xương Giang
Lễ dâng hương của các đồng chí lãnh đạo và nhân dân tại lễ hội Chiến thắng Xương Giang
 Đội múa rồng trong lễ hội Xương Giang
Nhân dân dự Lễ hội Chiến thắng Xương Giang

      Hội đình làng Thành trước đây tổ chức một năm hai lần “Xuân thu nhị kỳ” những năm gần đây chỉ tổ chức mỗi năm một lần vào ngày 6, 7 tháng Giêng, phần lễ do các cụ ông trong làng đảm nhiệm tổ chức như: rước kiệu, tế, lễ mở cửa đình phục vụ Nhân dân trong làng cũng như khách thập phương đến cúng thần, xin lộc, cầu may, cầu tài và xá tội. Phần hội được tổ chức khá phong phú, ngoài các trò chơi dân gian như: đấu vật, chọi gà, cờ tướng, đánh đu, những năm gần đây còn tổ chức thi đấu cầu lông, bóng đá cho thanh thiếu niên giữa các thôn trong làng.

Hội Đình Thành

Hội chùa làng Thành được tổ chức vào ngày 7 tháng Giêng hàng năm, phần lễ do nhà chùa và các cụ bà đảm nhiệm, ngoài Nhân dân trong làng, khách thập phương đến rất đông để xin lộc, cầu may, cầu tài tùy theo tâm linh của mỗi người. Phần hội ngoài tổ chức các trò chơi dân gian, ban đêm thường tổ chức hội diễn văn nghệ do nam, nữ thanh niên của làng, xã đảm nhiệm.

Hội Chùa Thành

Hội đình, chùa của làng được tổ chức vào đầu năm mới, đã tạo nên bầu không khí đoàn kết, vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp Nhân dân, để bước vào một năm lao động sản xuất mới tốt lành.

Ngoài văn hóa lễ hội hằng năm, phong tục tập quán của Xương Giang và dân cư trong làng cũng có nhiều nét đẹp, các nghi lễ cưới xin, ma chay cũng mang những nét tương đồng với các làng quê trong vùng.

Văn nghệ dân gian cũng được phát triển, dân ca phổ biến nhất là hát giao duyên như: hát ống ở làng Đông Nham, nhạc cụ hát ống gồm hai đầu dây có hai ống nứa hoặc ống tre, miệng ống dán giấy cứng hoặc da ếch sau đó lồng sợi dây vào 2 đầu ống, tùy theo khoảng cách gần xa mà sợi dây dài hay ngắn, thường khi hát một bên là nam, một bên là nữ, bên này hát thì bên kia nghe, bên kia hát thì bên này nghe theo kiểu đối chữ, đối âm; việc cử ra người hát là do mỗi bên tự chọn, bên nào không đối được coi như thua cuộc. Việc hát ống được diễn ra ban đêm, trên các bờ ao, bờ hồ, bên sông mỗi nhóm đứng một bên bờ, dòng dây sang để hát. Những đôi hát hay, đối giỏi thường kết bạn, kết duyên với nhau.

Hát ví: hát Cô đầu, hát Chầu văn cũng được phát triển, hát Cô đầu thường dành cho các tầng lớp quan lại, hát Chầu văn thường diễn ra ở các đền, chùa phục vụ tâm linh.

Làng Đông Nham có phường bát âm, là tập hợp của một số nhạc cụ dân tộc truyền thống như: kèn, sáo, nhị, hồ, trống, chiêng, đàn bầu, sinh tiên.vv... phường bát âm thường phục vụ cho việc lễ hội rước kiệu và tế lễ ở đình cũng như lễ tang của dân trong làng.

 Văn hóa, văn nghệ dân gian phát triển kết hợp với văn hóa hiện đại tạo nên cuộc sống vui tươi, lành mạnh, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó; mặt khác, nó góp phần làm giàu thêm nền văn hóa, văn minh của dân tộc Việt Nam./.

 

 

                                           

 

 

 

 

User Online: 12,615
Total visited in day: 154
Total visited in Week: 2,884
Total visited in month: 13,687
Total visited in year: 84,822
Total visited: 243,615