Các bộ, ngành Trung ương trả lời ý kiến cử tri Bắc Giang

|
查看数次:
dark-mode-label OFF
font-size: A- A A+
Đọc bài viết
(BGĐT) - Thời gian qua, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Giang tiếp nhận nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri, đồng thời đề nghị các bộ, ngành Trung ương xem xét giải quyết, trả lời. Sau đây là nội dung trả lời của các Bộ: Công thương; Y tế; Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH).

Cử tri bày tỏ bức xúc trước tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại tràn lan trên thị trường; việc sử dụng hóa chất độc hại trong sản xuất, bảo quản, chế biến thực phẩm đã đến mức báo động. Thực tế cho thấy, số trường hợp mắc bệnh ung thư có nguyên nhân do ăn uống tăng cao trong thời gian gần đây. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý, xử phạt thật nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm bảo vệ sức khỏe người dân?

Bộ Công thương trả lời: Thời gian qua, vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm, buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm vẫn diễn biến phức tạp. Hàng hóa vi phạm với nhiều chủng loại, mẫu mã, sử dụng nhãn mác, bao bì của các nhãn hiệu có uy tín để đưa ra thị trường tiêu thụ. Nhiều loại thực phẩm, thực phẩm chức năng giả, có nguồn gốc trôi nổi không bảo đảm chất lượng được bày bán trên thị trường. 

Tình trạng sửa hạn sử dụng đối với những thực phẩm hết hạn, cận hạn sử dụng vẫn diễn ra. Việc sử dụng hóa chất để chế biến thực phẩm không bảo đảm an toàn, dùng kháng sinh cấm, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y trong trồng trọt, chăn nuôi đã đến mức báo động làm ảnh hưởng đến sức khỏe và niềm tin của người tiêu dùng. 

Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, quyền lợi chính đáng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh, Chính phủ đã chỉ đạo rất quyết liệt các bộ, ngành và địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm. Theo đó, Bộ Y tế cùng Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Công thương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đặc biệt là thanh, kiểm tra đột xuất về an toàn thực phẩm đối với các ngành hàng được phân công quản lý. 

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động mọi người thực hiện an toàn thực phẩm. Tăng cường phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tấn báo chí thực hiện truyền thông về an toàn thực phẩm.

Các bộ, ngành, chính quyền các cấp thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi để MTTQ thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp vận động và giám sát bảo đảm an toàn thực phẩm giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam.

Cử tri kiến nghị: Lao động nước ngoài sang làm việc tại nước ta ngày càng đông, đã có những dấu hiệu cho thấy sự bất ổn về an ninh trật tự, thậm chí an ninh quốc gia, trong khi đó lao động trong nước lại không có việc làm. Đề nghị Chính phủ chỉ đạo tăng cường các biện pháp quản lý nhằm khắc phục tình trạng trên?

Bộ LĐTB&XH trả lời: Các nước đều xây dựng những quy định về tiếp nhận, cấp phép và quản lý lao động là người nước ngoài. Các quy định này đều hướng tới hai mục tiêu là bảo vệ việc làm cho người lao động trong nước và tạo điều kiện cho nhà đầu tư tuyển chọn được lao động mà lao động trong nước không đáp ứng được. Hai mục tiêu này phải hài hòa. Việc tiếp nhận lao động nước ngoài và nước ngoài tiếp nhận lao động Việt Nam là bình thường trong quá trình hội nhập.

Thời gian qua, Bộ LĐTB&XH thường xuyên phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu với Chính phủ hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật, tăng cường công tác hướng dẫn, chia sẻ thông tin; thanh tra, kiểm tra tình hình cấp giấy phép lao động và việc sử dụng lao động nước ngoài của các doanh nghiệp, tổ chức; đồng thời giúp địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện. 

Bộ LĐTB&XH đã đề xuất nhiều giải pháp yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu, người sử dụng lao động phải thực hiện đúng quy định về lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những vi phạm pháp luật về lao động, đồng thời hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục các vi phạm và thực hiện đúng pháp luật lao động. 

Bộ LĐTB&XH sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình lao động nước ngoài tại Việt Nam, hạn chế tối đa tình trạng lao động nước ngoài làm việc trái quy định, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân địa phương.

Cử tri kiến nghị: Hiện nay giá các dịch vụ y tế đều tăng cao, đặc biệt là từ năm 2016 khi người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) được khám chữa bệnh thông tuyến huyện và tương đương gây ra tình trạng vượt quỹ định suất tại các bệnh viện tuyến huyện. Do đó, đề nghị Nhà nước tăng quỹ định suất BHYT để giảm bớt khó khăn về kinh phí cho các bệnh viện tuyến huyện?

Bộ Y tế trả lời: Theo quy định của Luật BHYT, từ ngày 1-1-2016, việc thông tuyến khám chữa bệnh BHYT tại tuyến huyện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh trong tiếp cận dịch vụ khám chữa bệnh. Tuy nhiên khi thực hiện cũng dẫn đến khó khăn trong việc quản lý quỹ BHYT đối với đơn vị đang thực hiện thanh toán BHYT theo phương thức định suất và có nguy cơ gây ra tình trạng vượt quỹ định suất được giao tại các cơ sở y tế này. 

Để khắc phục tình trạng trên, Bộ Y tế xin tiếp thu và đang phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sửa đổi bổ sung Thông tư liên tịch số 41/2014 nhằm hướng dẫn thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo định suất phù hợp với thực tiễn theo hướng có điều chỉnh quỹ tại các cơ sở bảo đảm chi trả đầy đủ các chi phí thực tế đã sử dụng cho người bệnh.

Ngô Thanh (tổng hợp)

 

 

User Online: 13,254
Total visited in day: 897
Total visited in Week: 1,260
Total visited in month: 896
Total visited in year: 86,679
Total visited: 245,472